Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?
Mình đã nghĩ…
Năm 2020 là năm mình có cơ hội được tiếp cận nhiều đầu sách cũng như thể loại sách khác nhau. Đọc “bạn nào” xong, mình đều có một bước là ghi lại cảm nhận về “bạn ấy” (ý nói quyển sách mình vừa đọc xong). Và một bước không mong muốn nhưng không thể thiếu là: mình thực sự không thể nhớ được cụ thể mình vừa đọc những gì. Hệt kiểu “chúng nó” bay hết vào hố đen vũ trụ (mình đùa thôi). Mình đã nghĩ: Chắc mình thuộc tuýp người có trí nhớ kém (hay gọi: não cá vàng), nên chịu thôi. Nhiều khi cũng tiếc nuối, vì nhớ đợt đọc quyển đó tâm đắc lắm. Trong khi đọc, mình đã khen lấy khen để với chị mình hoài. Thế rồi đọc xong ba hôm, mình quên luôn đoạn hôm trước vừa đọc vừa cười là đoạn nào. Não mình ngày càng có vấn đề chăng…?
Thực tế thì…
“Theo lí thuyết, não con người có khả năng lưu giữ đến 4.7 tỷ cuốn sách. Các tế bào não của bạn sẽ phân chia và phát triển trong suốt cuộc đời. Tức là, nếu bạn vẫn nghĩ rằng bộ nhớ của mình quá kém, hoặc đã nhồi nhét quá nhiều thứ vào đầu nên mỗi khi đọc xong bất cứ thứ gì là quên béng ngay nội dung, thì bạn vẫn có thể yên tâm rằng thực ra bộ não bạn vẫn còn đầy chỗ để lưu trữ và xử lý thêm vô hạn thông tin.” Đây là đoạn được trích trong lời tựa của cuốn sách “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” của tác giả Zion Kabasawa. Lúc đọc đoạn này, mắt mình chữ A, mồm chữ O luôn. 4.7 tỷ cuốn sách là con số não người có khả năng lưu giữ. Ngay thời điểm đọc câu đó, suy nghĩ trí nhớ của mình kém tự dưng bay biến. Tuy nhiên, để đọc nhiều và nhớ được nhiều phải cần có bí quyết.
Bí quyết đọc sách không quên
Trong quyển sách Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu của Zion Kabasawa có chia sẻ về những thuật đọc sách không quên (thuật đọc sách “sử dụng bút dạ quang”, thuật đọc sách “cộng đồng”, thuộc đọc sách “viết lời bình”, thuật đọc sách “thời gian trống”, thuật đọc sách “vừa sát giới hạn”, v.v). Còn có phần chia sẻ thêm về kĩ thuật chọn sách cũng nhưng các phương thức mua sách cho hiệu quả. Tự nhận thấy, đây là quyển sách đáng để lưu tâm nếu bạn đang có mong muốn tìm hiểu bí quyết đọc sách không quên.
Sách chia sẻ khá nhiều kiến thức bổ ích, tuy nhiên mình đặc biệt ấn tượng với chia sẻ sau đây của tác giả: “Hai từ khóa quan trọng trong thuật đọc sách cần ghi nhớ”: “Ôn lại” và “Thời gian trống”. Mặc dù đây chỉ là một ý nhỏ trong quyển sách lớn nhưng nó đã góp phần thay đổi hành vi của mình. Ví dụ như mình có nhiều thời gian trống (trong lúc di chuyển bằng bus), thay vì sử dụng smart phone, mình có thể đọc sách. Nhờ vậy ít nhất mỗi ngày, dù bận đến đâu mình cũng có khoản một giờ để đọc sách. Mà đọc sách thì con người mình thông tuệ hẳn ra (đây là ý kiến cá nhân nhé!).
Một lưu ý nho nhỏ:
Sách “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu ?” này đã được tác giả nghiên cứu và tổng hợp nhiều bí quyết giúp đọc sách không quên, dù vậy để ngay lập tức nhớ hết tất cả những gì mình đọc là điều khó có thể xảy ra. Cho nên, đây là một quá trình cần luyện tập. Vừa đọc sách phải vừa luyện tập để tăng khả năng nhớ và sử dụng kiến thức đã đọc. Mình nghĩ đây mới là điều quan trọng.
Lời cuối, chúc các bạn đọc sách vui và có những giây phút tận hưởng cuộc sống!
Xem thêm Review sách LÀM SAO HỌC ÍT HIỂU NHIỀU? – Zion Kabasaw
Tác Giả | Zion Kabasawa |
Kích Thước | 13 x 20.5 cm |
Số trang | 240 |
Nhà xuất bản | NXB Dân Trí |
Tìm Đọc | Fahasa |